Bạn có biết vùng Kansai của Nhật Bản còn có nhiều tên gọi khác như Kinki hay Kinai? Những cách gọi này có nguồn gốc từ đâu và được sử dụng trong trường hợp nào, hãy cùng Kilala tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Vùng Kansai (関西) nằm ở khu vực Trung Tây của đảo Honshu, từ xa xưa, nơi đây đã là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn của đất nước Mặt trời mọc. Khu vực này cũng thường được nhắc đến với những tên gọi như Kinki (近畿) hay Kinai (畿内), mỗi cái tên lại gắn liền với một giai đoạn lịch sử khác nhau.
Kansai
Chữ “関 – Kan – Quan” trong từ “関西 – Kansai – Quan Tây” và “關東 – Kanto – Quan Đông” đều xuất phát từ “関所 – Sekisho”. Đây là một từ dùng để chỉ các trạm kiểm soát được đặt tại những điểm giao thông chính, biên giới giữa các khu vực để giám sát người và vật nuôi lưu thông. Các Sekisho này tồn tại cho đến thời Edo.
Theo nghĩa đó, Kansai dùng để chỉ khu vực phía Tây của Sekisho, trái với Kanto là khu vực phía Đông của Sekisho.
Vào thời Kamakura (1185 – 1333), Nhật Bản có 3 trạm Sekisho là Arachi no Sekisho (tỉnh Fukui ngày nay), Suzuka no Sekisho (tỉnh Mie ngày nay) và Fuwa no Sekisho (tỉnh Gifu ngày nay). Lúc này, tính từ các trạm Sekisho, khu vực phía Đông gọi là Kanto, còn khu vực phía Tây gọi là Kansai.
Đến thời Edo (1603 – 1868), các trạm Sekisho trên được thay thế bởi 3 trạm khác, cụ thể gồm: Hakone no Sekisho (tỉnh Kanagawa ngày nay), Usui no Sekisho (tỉnh Gunma ngày nay) và Kobotoke no Sekisho ở Edo (Tokyo ngày nay). Bấy giờ, các khu vực tập trung quanh Kyoto và Osaka được gọi là Kansai, còn Kanto thì vẫn như hiện tại gồm Tokyo, Gunma, Tochigi, Ibaraki, Saitama, Chiba và Kanagawa.
Ngày nay, không có quy định rõ ràng về phạm vi của Kansai, nhưng về cơ bản thì Kansai bao gồm các tỉnh Nara, Wakayama, Kyoto, Osaka, Hyogo, Shiga và có thể tính thêm tỉnh Mie.
Kinai
Từ “畿内 – Kinai” bao gồm chữ “畿 – Kì”, một từ cổ khi dịch sang ngôn ngữ hiện đại sẽ đồng nghĩa với từ “都 – Miyako – Đô” nghĩa là thủ đô, chốn kinh kì, nơi thiên tử đóng đô. Như vậy, Kinai mang nghĩa khái quát là vùng lận cận của kinh đô.
Theo hệ thống pháp luật “律令制 – Ritsuryosei” có từ thời Nara, được duy trì đến thời Heian và thời Edo, Nhật Bản lúc bấy giờ được chia thành “五畿七道 – Gokishichido – Ngũ Kì Thất Đạo”.
Ngũ Kì (Goki) ở đây chính là Kinai, gồm khu vực xung quanh kinh đô Nara/ Kyoto và gồm 5 tỉnh như sau: tỉnh Yamato (nay là tỉnh Nara), tỉnh Yamashiro (nay là phần phía Nam của tỉnh Kyoto, bao gồm cả thành phố Kyoto), tỉnh Kawachi (nay là phần Đông Nam của tỉnh Osaka), tỉnh Settsu (nay là phần phía Bắc của tỉnh Osaka, bao gồm thành phố Osaka và một phần tỉnh Hyogo), tỉnh Izumi (nay là phần phía Nam của tỉnh Osaka).
Còn Thất Đạo dùng để chỉ bảy khu vực hành chính trải dài theo các hướng khác nhau từ vùng Kinai, ứng với 7 tuyến đường có cùng tên gọi. Cụ thể:
– Tokaido chạy về phía Đông dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản, đại diện cho mạch biển phía Đông.
– Tosando đại diện cho mạch núi phía Đông
– Hokurikudo đại diện cho mạch đất phía Bắc.
– Sanindo đại diện cho mạch núi phía Bắc.
– Sanyodo đại diện cho mạch núi phía Nam.
– Nankaido đại diện cho mạch biển phía Nam.
– Saikaido đại diện cho mạch biển phía Tây.
Như vậy, với Ngũ Kỳ Thất Đạo, Nhật Bản được thiết lập vô cùng trật tự, có sự kết nối sâu rộng khắp cả lãnh thổ, giúp cho triều đình cai trị đất nước một cách vô cùng hệ thống.
Kinki
Tuy nhiên, đến thời Minh Trị (1868 – 1912), vùng Kinai cùng các khu vực lân cận đã được gọi bằng tên mới là “近畿 – Kinki”, mang nghĩa là một nơi gần với kinh đô Kyoto lúc bấy giờ. Kinki được sử dụng phổ biến trong sách giáo khoa địa lý dành cho bậc tiểu học, trung học cơ sở vào thời này. Theo sách giáo khoa địa lý, vùng Kinki gồm 2 phủ và 5 tỉnh: phủ Osaka, phủ Kyoto, tỉnh Nara, tỉnh Hyogo, tỉnh Wakayama, tỉnh Shiga và tỉnh Mie.
Ngày nay, trong số 3 từ kể trên, Kansai và Kinki vẫn được sử dụng phổ biến hơn cả. Kinki thường xuất hiện trong văn bản của các cơ quan hành chính hoặc trong bản tin thời tiết tại Nhật Bản, còn Kansai lại chiếm ưu thế và được sử dụng rộng rãi trong các tình huống khác.
Kilala.vn