Văn hóa thưởng hoa anh đào của người Nhật xưa qua tranh ảnh

Qua các bức tranh khắc gỗ truyền thống Ukiyo-e và ảnh chụp xưa, văn hóa ngắm hoa anh đào của người Nhật thời xưa dần được tiết lộ. 

Văn hóa thưởng hoa Ohanami (お花見) có nguồn gốc từ xa xưa và được tổ chức lần đầu tiên vào năm 812 ở thời Thiên hoàng Saga. Khởi đầu là hoạt động dành riêng cho tầng lớp quý tHTML Codeộc, theo thời gian, Hanami đã trở thành hoạt động phổ biến rộng rãi trên khắp nước Nhật, được tất cả mọi người yêu thích. Vậy văn hóa thưởng hoa thời xưa có gì khác biệt với hiện tại? Cùng tìm hiểu qua chùm tranh Ukiyo-e và ảnh chụp từ năm 1835 đến năm 1930 dưới đây nhé.

Văn hóa ngắm hoa anh đào trong tranh Ukiyo-e

Văn hóa Ohanami từng được thực hiện theo phong tục ngắm hoa mơ của người Trung Quốc, khi người Nhật cử sứ thần qua Trung Hoa để nghiên cứu văn hóa và công nghệ. Tuy nhiên, đến thời kỳ Heian (794 – 1185), Nhật Bản dần tạo ra một nét văn hóa thưởng hoa của riêng mình. Tương truyền rằng, vì rung động trước vẻ đẹp phi thực của cây hoa anh đào tại đền Jishu (Kyoto), Thiên hoàng Saga đã quyết định tổ chức một buổi tiệc ngắm hoa đầu tiên ngay dưới tán cây anh đào này với âm nhạc, các món ăn ngon và đàm đạo thơ ca.

Vốn dĩ, đền thờ và chùa có mối gắn kết đặc biệt với việc làm vườn, trồng và chăm sóc cây nên rất nhiều cây hoa anh đào thường được trồng xung quanh các nơi linh thiêng này. Dưới đây là một số bức tranh Ukiyo-e vẽ lại cảnh ngắm hoa anh đào tại Edo và Kyoto.

隅田堤雨中之桜 (Sumidazutsumi uchuu no sakura).

Bức tranh Ukiyo-e trên nằm trong tập tranh “東都名所” (Touto meisho) của họa sĩ Utagawa Hiroshige. Bức tranh miêu tả những cây hoa anh đào đang khoe sắc trong cơn mưa tại bờ đê con sông Sumida.

よし原仲の町桜の紋日 (Yoshiwara Nakanochou sakura no monbi).

Bức tranh “よし原仲の町桜の紋日” (Yoshiwara Nakanochou sakura no monbi) nằm trong tập tranh “江戸名所” (Edo meisho) của họa sĩ Utagawa Hiroshige. Tranh miêu tả ngày hội hoa anh đào nở tại Yoshiwara – một khu vui chơi giải trí tại Edo, ngày nay nằm gần khu phố Asakusa, Tokyo. Tranh ra mắt người xem vào khoảng thời gian từ năm 1840 đến năm 1858.

浅草奥山桜見物之図 (Asakusa okuyama sakura kenbutsu no zu).

Bức tranh “浅草奥山桜見物之図” (Asakusa okuyama sakura kenbutsu no zu) được vẽ vào năm 1857 bởi họa sĩ Utagawa Kunisato. Tranh mang đến khung cảnh phụ nữ quý tộc thời Edo đang say mê ngắm hoa anh đào tại vùng núi Asakusa.

小金井桜御遊覧図 (Koganei sakura goyuranzu).

Tranh Ukiyo-e có tên “小金井桜御遊覧図” (Koganei sakura goyuran zu) được vẽ vào năm 1886 bởi họa sĩ Toyohara Chikanobu. Trong gam màu đỏ tươi thắm, bức tranh thể hiện hoạt động ngắm hoa anh đào kết hợp với biểu diễn ca nhạc của giới quý tộc tại Koganei, Edo.

櫻八題樓門 (Sakura hachidai roumon).

Bức tranh Ukiyo-e có tên “櫻八題樓門” (Sakura hachidai roumon) được vẽ vào năm 1935 bởi họa sĩ Yoshida Hiroshi nằm trong tập tranh gồm 8 cảnh hoa khoe sắc “櫻八題” (Sakura hachidai). Bức tranh thể hiện khung cảnh hoa anh đào nở rộ tại chùa Chion-in, Kyoto. Sử dụng gam màu trầm, bức tranh mang đến cảm giác nhẹ nhàng nhưng không kém phần cuốn hút cho người xem.

都名所源氏合 金閣寺さくらの遊羅舞” (Miyako meisho Genji awase: Kinkakuji sakura no yūran)

Bức tranh Ukiyo-e có tên là “都名所源氏合金閣寺さくらの遊羅舞”, tạm dịch là “Miyako meisho Genji awase: Kinkakuji sakura no yuran” được vẽ vào năm 1875 của họa sĩ Utagawa Yoshitora. Buổi thưởng hoa đầy xa hoa, diễm lệ của giới quý tộc thời Meiji được thể hiện qua bức tranh.

Hoa anh đào nở rộ trong ảnh chụp xưa

Đầu thế kỷ 20, nhiếp ảnh trở thành một trào lưu mới mẻ và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Máy ảnh được bán với giá rẻ, nhiều câu lạc bộ máy ảnh và tạp chí bùng nổ trên khắp nước Nhật. Dưới đây là một vài hình ảnh ngắm hoa chụp tại công viên Ueno, Tokyo đã được in làm bưu thiếp từ năm 1900 đến năm 1930.

Bức ảnh chụp hoa anh đào nở tại công viên Uneo được in trong các tấm bưu thiếp (1900 – 1906). Hiện tại, các bưu thiếp này đang được trưng bày tại Thư viện Công cộng New York.

Ảnh chụp hoa anh đào nở rộ tại công viên Ueno in trên các tấm bưu thiếp (1915 – 1930). Các tấm bưu thiếp này đang được trưng bày tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *