Yosegi Zaiku – nghệ thuật khảm gỗ của vùng Hakone

Với chiều dài và chiều sâu lịch sử của mình, Nhật Bản đã xây dựng được một nền văn hóa truyền thống đầy màu sắc và vô cùng độc đáo. Tất cả những nét văn hóa nghệ thuật ấy đều mang những câu chuyện rất riêng, và những nét đẹp khác biệt. Kilala xin giới thiệu đến bạn một nét nghệ thuật chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ, thán phục và thích thú, đó chính là nghệ thuật khảm gỗ Yosegi Zaiku.

Yosegi Zaiku – vẻ đẹp bắt nguồn từ sự mộc mạc

Nghệ thuật khảm gỗ Yosegi Zaiku ra đời vào những năm đầu của thời kỳ Edo (1603 – 1868). Yosegi có nghĩa là “ghép gỗ”, còn Zaiku nhằm nói đến những công việc đòi hỏi sự tinh xảo và tỉ mỉ từ các nghệ nhân. Yosegi Zaiku được hiểu đơn giản là việc tạo nên các họa tiết trang trí bằng việc ghép các khối gỗ nhiều màu sắc lại với nhau. Yosegi Zaiku đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề vững chắc cũng như khả năng liên tưởng hình học để có thể tạo ra một sản phẩm mang được “chất” Yosegi.

Yosegi Zaiku – vẻ đẹp bắt nguồn từ sự mộc mạc.

Những sản phẩm có họa tiết Yosegi Zaiku được tạo ra từ những khối gỗ có nhiều kích thước, chất liệu và màu sắc khác nhau. Điều đặc biệt nhất của Yosegi Zaiku là tất cả các sắc màu của gỗ đều là màu tự nhiên, hoàn toàn không có sự can thiệp của thuốc nhuộm hay hóa chất. Nhưng thật lạ, chỉ bằng những màu mộc mạc nhất của gỗ, Yosegi Zaiku vẫn tạo nên những mảng màu tuyệt đẹp. Cách cắt khối, sắp xếp và gắn các mẫu gỗ với nhau của nghệ nhân sẽ tạo nên những họa tiết độc đáo, riêng biệt. Chỉ từ với khoảng hơn 100 mẫu họa tiết truyền thống, các nghệ nhân Nhật Bản ngày nay đã sáng tạo nên nhiều hoa văn hiện đại khác nhưng vẫn kế thừa những đặc trưng riêng biệt vốn có của loại hình thủ công truyền thống này.

Làm thế nào để tạo ra một sản phẩm Yosegi Zaiku?

Để tạo ra một sản phẩm, các nghệ nhân sẽ cắt gỗ thành các khối lục giác, tam giác hay hình trụ tùy theo ý đồ của họ. Sau khi cắt khối tất cả những màu sắc muốn sử dụng, các nghệ nhân sẽ ghép chúng lại bằng keo dính chuyên dụng. Tiếp đến, họ sẽ dùng dây để giữ cố định chúng. Đó chính là cách họa tiết Yosegi Zaiku được tạo ra.

Sau khi dán các khối gỗ với nhau, nghệ nhân sẽ dùng dây để giữ cố định chúng.

Có hai phương pháp để tạo nên một sản phẩm Yosegi Zaiku, là “zuku” và “muku”.

Đối với phương pháp “zuku”, các nghệ nhân sẽ thiết kế nên một bức tranh hoạ tiết bằng cách sắp xếp các khối gỗ với nhau, sau đó dùng một công cụ chuyên dụng để bào bức hoạ tiết đó thành từng lát tranh mỏng. Những lát tranh này sẽ được ốp vào hộp gỗ, khay trà,… Còn đối với phương pháp “muku”, sau khi các khối gỗ đã được sắp xếp theo ý đồ của nghệ nhân, nó sẽ được cắt tiện, mài giũa thành các sản phẩm như chén trà, ly tách, đĩa ăn,… Cái thú của “muku” là bạn có thể thưởng thức sự khác nhau giữa mặt trong và mặt ngoài một khi sản phẩm đã được làm xong.

Sản phẩm Yosegi Zaiku được sản xuất theo phương pháp zuku.

Từ một phôi gỗ được ghép từ nhiều khối gỗ khác nhau, phương pháp “zuku” sẽ cho ra nhiều tấm hoạ tiết tạo nên nhiều sản phẩm, trong khi đó “muku” chỉ có thể tạo thành 1 sản phẩm duy nhất. Vì vậy, giá thành của những sản phẩm được chế tác bằng phương pháp “muku” thường cao hơn hẳn.

Sản phẩm Yosegi Zaiku được sản xuất theo phương pháp zuku.

Sắc màu của gỗ tại Hakone

Yosegi Zaiku, nói chính xác là Hakone Yosegi Zaiku vì nó được sinh ra và phát triển ở Hakone, thuộc tỉnh Kanagawa – một trong những vùng đất được biết đến với thiên nhiên đa dạng và phong phú bậc nhất Nhật Bản. Đó chính là điều kiện tiên quyết giúp cho các sản phẩm Yosegi Zaiku ở đây có được sự đa dạng về cả màu sắc và họa tiết.

Màu sắc của các sản phẩm Yosegi Zaiku hoàn toàn là màu tự nhiên.

Các nghệ nhân ở Hakone luôn cố gắng tìm kiếm tất cả những màu sắc độc đáo và mới lạ từ những rừng cây ở đây. Liệu có bao nhiêu màu sắc của thân cây mà bạn có thể biết? Ở Hakone, thiên nhiên thật sự đã vô cùng rộng rãi khi màu sắc của gỗ ở đây không chỉ là những sắc nâu mà còn có cả những màu mà chúng ta chưa từng nghĩ đến. Đó là màu trắng của cây đàn hương hoặc cây dâu tằm trắng; là màu vàng của giống sơn mài Nhật Bản, màu gỗ tím của cây óc chó đen, là sắc xanh trời của cây phác hay cây dưa leo,… Đó là vô số những sắc màu của tự nhiên, những sắc màu độc đáo và đáng giá mà chẳng bao giờ chúng ta có thể ngờ đến được.

Chính thiên nhiên đã trở thành nguồn nguyên liệu và cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của những nghệ nhân Nhật Bản nói chung và nghệ nhân Yosegi Zaiku nói riêng.

kilala.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *