Obon – Lễ Vu Lan của Nhật Bản

Trong văn hóa Việt Nam, rằm tháng 7 hàng năm là ngày “Vu Lan báo hiếu”, là dịp để con cái bày tỏ sự biết ơn đến với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Trong văn hóa Nhật Bản, cũng có dịp lễ mang ý nghĩa tương tự như thế này, gọi là Lễ Obon.

Lễ Obon ở Nhật diễn ra khi nào?

Bon (盆) hay Obon (お盆) là một lễ hội ở Nhật có nguồn gốc từ Phật giáo. Obon chính là dịp để những đứa con trong gia đình thể hiện sự biết ơn với cha mẹ và tưởng nhớ linh hồn của ông bà tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn và cầu nguyện cho các linh hồn, cũng là thể hiện tấm lòng của những người còn sống dành cho những người đã khuất.

Tùy theo từng khu vực mà ngày lễ này sẽ diễn ra vào ba ngày khác nhau, bắt nguồn từ việc người Nhật chuyển từ âm lịch sang dương lịch ở thời Minh Trị. Cụ thể như sau:

  • Shichigatsu Bon (Bon tháng 7): tổ chức ngày 15/7 dương lịch ở khu vực vùng Kantō gồm: Tokyo, Yokohama và Tohoku.
  • Hachigatsu Bon (Bon tháng 8): tổ chức ngày 15/8 dương lịch và cũng là thời gian được tổ chức phổ biến nhất.
  • Kyu Bon (Bon cũ): tổ chức ngày 15/7 âm lịch ở khu vực phía Bắc Kanto, vùng Chugoku, Shikoku và tỉnh Okinawa.

Obon – dịp lễ để con cháu thể hiện sự biết ơn với ông bà cha mẹ.

Nguồn gốc lễ Obon

Lễ Obon được cho là bắt nguồn từ ngày Lễ Vu Lan ở Trung Quốc, là sự kết hợp giữa Vu Lan Bồn (Ullabama) của Phật giáo và đạo giáo Trung Nguyên. Khi du nhập vào Nhật Bản, từ Ullabama được rút gọn thành Obon.

Nguồn gốc bắt nguồn từ câu chuyện của một đệ tử Phật giáo là Mokuren (Mục Kiền Liên). Theo truyền thuyết, ông là người đã tu luyện nhiều năm và có pháp lực thâm hậu. Để báo hiếu với người mẹ mất sớm, ông sử dụng pháp lực để tìm lại mẹ. Sau khi thấy mẹ biến thành quỷ đói, chịu đau khổ nơi địa ngục, Mokuren đã tìm đến Đức Phật để tìm cách giải thoát cho mẹ. Đức Phật nói Mokuren phải mang đồ lễ để cúng những người tu hành vào ngày 15/7. Y lời Đức Phật, sau khi Mokuren hoàn thành lễ cúng, linh hồn mẹ ông đã được siêu thoát. Từ đó, câu chuyện này trở thành một tục lệ, hằng năm người dân tổ chức Obon để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên.

Các hoạt động chính trong lễ Obon

Ngày chính của lễ Obon là ngày 15, nhưng từ ngày 12 đã bắt đầu có những sự kiện mừng dịp lễ này và kéo dài đến tận ngày 16.

Ngày 12

Người ta sẽ bày một mâm quả gồm dưa chuột, cà tím có gắn những chiếc tăm tre hoặc đũa để kết thành hình các con vật. Trong đó, dưa chuột là ngựa, cà tím là bò. Ngựa đóng vai trò là phương tiện để đưa những người đã khuất mau chóng về dương gian, còn bò là để cưỡi thong thả về bên kia thế giới.

Mâm cúng gồm có dưa chuột và cà tím. (Ảnh: acacia-no-ki.co.jp)

Ngày 13

Vào ngày này, người ta đốt những cành cây gai Ogara bởi theo quan niệm, linh hồn những người đã khuất sẽ theo khói lửa trở về gia đình. Ngọn khói này đóng vai trò chỉ đường dẫn lối, các linh hồn theo ngọn khói có thể về nhà mình mà không bị lạc đường. Người ta có thể sử dụng đèn lồng thay cho lửa, và đem treo đèn lồng trước nhà để dẫn dường cho linh hồn tổ tiên. Đèn lồng có thể được sử dụng tượng trưng cho lửa, treo trước nhà để hướng dẫn và đón linh hồn của tổ tiên.

Đốt lửa tạo khói để các linh hồn theo khói trở về nhà. (Ảnh: LearnJapanese123)

Ngày 14, 15

Đây là hai ngày chính của lễ Obon. Vào hai ngày này, người ta sẽ thực hiện các hoạt động như: thăm viếng mộ, lau chùi, dọn vệ sinh phần mộ và cúng kiếng với mục đích mời người thân quá cố quay về thăm nhà. Mâm cỗ cúng bao gồm các loại bánh đặc trưng và trái cây được trình bày đẹp mắt, vật phẩm cúng luôn được thay đổi theo từng ngày trong kỳ lễ để các linh hồn vui và thấy mình luôn được chào đón.

Ngày 16

Con cháu trong nhà sẽ dâng cúng bánh Okuridango để tiễn linh hồn ông bà tổ tiên. Ngày này còn được gọi là Okuribi – ngày đưa lửa. Người ta sẽ mượn lửa tạo khói hoặc thả đèn lồng trên sông, dẫn đường cho các linh hồn trở về thế giới bên kia.

Ngày đưa lửa – đưa tiễn các linh hồn. (Ảnh: acacia-no-ki.co.jp)
Kilala.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *